Ăn dặm kiểu Nhật: 7 phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé

NGÀY ĐĂNG: 29/12/2016
Với những ưu điểm vượt trội, nhiều mẹ đã chọn phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật cho con, mà không quản ngại cách chế biến có phần phức tạp, lích kích của phương pháp này. Dưới đây là 7 phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé mà mẹ nên biết khi cho con ăn […]

Với những ưu điểm vượt trội, nhiều mẹ đã chọn phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật cho con, mà không quản ngại cách chế biến có phần phức tạp, lích kích của phương pháp này. Dưới đây là 7 phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé mà mẹ nên biết khi cho con ăn dặm theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật .

1. Phương pháp mài

phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé

Những nguyên liệu cứng như táo, hay cà rốt, trước khi cho bé ăn, mẹ có thể gọt vỏ, cắt lõi rồi mài. Những loại rau củ mẹ có thể luộc chín trước rồi mới mài.

Những đồ đã phơi khô, hoặc đã làm đông chẳng hạn như bánh mì hay thịt ức gà làm đông thì mẹ có thể mài rất dễ dàng.

2. Phương pháp tách xé

Mẹ có thể tách xé đồ ăn dặm của con bằng dĩa hoặc bằng tay. Chẳng hạn như với cá, sau khi mẹ luộc, hoặc hấp chín, mẹ có thể bỏ ra đĩa và dùng dĩa tách xé ra. Mẹ cũng có thể dùng tay gỡ, xé cá. Đây là phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé được dùng nhiều trong giai đoạn 2 của Ăn dặm kiểu Nhật.

3. Phương pháp giã

Những đồ như bí ngô, khoai lang…đã luộc mềm, mẹ có thể cho vào cối giã nhuyễn. Lưu ý, với những loại rau, nhiều xơ thì sau khi giã xong mẹ nên tiếp tục nghiền, rây nhuyễn.

Những đồ mềm như chuối, bơ, mẹ có thể tận dụng lưng của chiếc dĩa để nghiền nát cũng rất hiệu quả.

phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé

4. Phương pháp rây

Đối với những thực phẩm mềm như cà chua, dâu tây, mẹ cứ để nguyên và rây. Vì phương pháp rây có thể loại bỏ hạt và vỏ, lại cho thành phẩm nhỏ mịn, nên khi mới bắt đầu ăn dặm – giai đoạn 1 của Ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp sơ chế đồ ăn dặm cho bé này được các mẹ sử dụng rất nhiều.

Đối với các thực phẩm có nhiều xơ như các loại rau lá (cải bó xôi, bắp cải…), mẹ nên luộc chín, rồi thái nhỏ, giã nát rồi mới rây.

5. Phương pháp làm sánh

Mẹ có thể làm sánh đồ ăn cho bé bằng bột năng. Đánh tan bột năng theo tỷ lệ 1 bột năng : 2 nước, rồi khi món ăn gần được thì đổ từ từ bột năng vào khuấy đều. Ở giai đoạn 3 của Ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ thường tạo độ sánh cho các món ăn dặm của con bằng bột năng để trợ giúp bé trong quá trình nhai nuốt.

6. Phương pháp vắt

Chẳng hạn như mẹ muốn lấy nước ép cam cho con uống thì có thể sử dụng máy vắt cam, hoặc có thể dùng dĩa (chọc dĩa vào quả cam và xoáy đều trên dưới). Bé còn nhỏ, thời gian đầu ăn dặm, sau khi vắt cam bằng máy hoặc dĩa, mẹ có thể dùng miếng vải màn để lọc lấy nước. Còn sau này, có thể cho bé uống cả tép.

7. Phương pháp cắt, thái

Khi bé được 7 – 8 tháng tuổi, mẹ bắt đầu nâng dần độ thô cho thức ăn của con, thì việc sơ chế đồ ăn dặm dạng rau, củ, quả bằng phương pháp cắt, thái được áp dụng nhiều  hơn, đặc biệt là được dùng nhiều trong giai đoạn 3, giai đoạn 4 của Ăn dặm kiểu Nhật. Từ băm nhỏ, mẹ dần thái miếng rau, củ, quả với các kích cỡ từ nhỏ đến to phù hợp với từng độ tuổi và cấu trúc thức ăn ở từng giai đoạn ăn dặm của bé.

Mabu dinh dưỡng

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay