Cách chọn rau sạch cho trẻ trước bão thực phẩm bẩn

NGÀY ĐĂNG: 13/03/2017
Chọn được cho con mớ rau tươi ngon, an toàn trong thời kỳ ăn dặm là điều mẹ đặc biệt quan tâm. Vì hơn ai hết, mẹ biết rằng, những loại rau “bẩn” sẽ khiến con bị rối loạn tiêu hóa, gan, thận phải làm việc quá sức, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của […]

Chọn được cho con mớ rau tươi ngon, an toàn trong thời kỳ ăn dặm là điều mẹ đặc biệt quan tâm. Vì hơn ai hết, mẹ biết rằng, những loại rau “bẩn” sẽ khiến con bị rối loạn tiêu hóa, gan, thận phải làm việc quá sức, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, Mabu tổng hợp lại các cách chọn rau sạch cho trẻ, mẹ có thể tham khảo:

Cách chọn rau sạch cho trẻ

Để chọn được cho trẻ được những mớ rau sạch, an toàn thì trước tiên mẹ nên nhớ một vài nguyên tắc sau: Tốt nhất là mẹ cho con ăn các loại rau biết rõ nguồn gốc, các loại rau sạch đã được công nhận. Tiếp nữa, mẹ nên mua các loại rau đúng vụ, vì rau đúng vụ phát triển tốt hơn, ít bị phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như bón phân đạm ít hơn… Còn rau trái vụ thường bị phun nhiều thuốc, hay bón phân đạm nhiều hơn quy định, nên lượng tồn dư các chất không tốt trong rau nhiều hơn. Các loại rau mùa mưa thì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn mùa khô nắng.

Khi mua rau mẹ nên quan sát, nên chọn những bó rau tươi non, không bị héo úa, dập nát, hay trên lá có những đốm lấm tấm trắng… Tuy nhiên, cũng không nên chọn những bó rau xanh non, tốt, phổng phao bất thường vì có thể được phun thuốc kích thích. Mẹ cũng nên cầm tận tay mớ rau lên kiểm tra, không nên phó mặc cho người bán lựa chọn. Nếu mẹ nâng mớ rau lên mà thấy nhẹ bồm bộp, non mởn thì cũng không nên lấy vì khả năng lớn chỉ có rau phun chất kích thích mới nhanh lớn, phổng phao và nhẹ bẫng vậy.

Cách chọn rau sạch cho trẻ ăn dặm

Kinh nghiệm chọn một số loại rau phổ biến

Rau cải (cải thìa, cải canh, cải bó xôi…): Khi xem rau các loại rau cải, mẹ thử bẻ ngang phần gốc của cây rau, nếu mẹ thấy có nước tiết ra thì đây là dấu hiệu cho thấy rau cải này được bón quá nhiều phân đạm, không thu hoạch đúng thời gian cách ly sau khi bón phân đạm dẫn đến hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Những rau này mà để quá 12 giờ sẽ bị ủng, chuyển màu nâu đen.

Rau muống: Mẹ nên mua rau muống đúng mùa vào khoảng tháng 4, 5, 6. Mẹ đi chợ nhìn thấy những mớ rau muống cọng to phổng phao hơn bình thường, rau giòn, mướt, lá màu xanh đen, bóng thì nên tránh. Những rau này khi mua về luộc, nước luộc nguội mẹ có thể dễ dàng quan sát nước rau chuyển màu xanh đen, có vẩn kết tủa, ăn rau mẹ sẽ thấy có vị chát. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng hơn nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn hơn hẳn mẹ nhé!

Rau bí: Mẹ không nên những bó rau bí ngọn dài, tay cuống mập mạp, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, còn lá màu xanh đen. Vì rất có thể những bó rau này đã được phun chất kích thích.

Rau cần: Nếu mẹ thấy tay rau cần mà có thân to, ngó rau trắng muốt phổng phao, rau nhanh bị héo thì không nên mua, vì những rau này có khả năng lớn đã bị phun chất kích thích. Mẹ nên chọn những tay rau cần màu xanh đậm, rau ngắn hơn, trông có vẻ cứng hơn, nhưng ăn lại rất đậm rau, giòn và an toàn.

Rau ngót: Mẹ lưu ý nhé, mùa rau kéo dài từ tháng 7 năm trước đến tháng 3 năm sau. Khi đi chợ mua rau ngót, mẹ tránh những bó rau quá non, lá to, mỏng, mà phải chọn những lá lá dày vừa phải, màu xanh sẫm.

Các loại đậu (đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan…): Mẹ không nên chọn những quả bóng, ít lông tơ, non mỡ.

Hướng dẫn mẹ cách rửa rau đúng

Đầu tiên, mẹ phải loại bỏ hết rễ, hay phần lá úa, dập nát không còn nguyên vẹn.

Sau mẹ ngâm rau trong nước. Chú ý nên ngâm riêng từng loại rau một khoảng 15-20 phút, có thể ngâm với chút muối.

Rồi mẹ rửa rau dưới vòi nước chảy trong khoảng 2-3 phút.

Trong trường hợp, rau mua về không ăn luôn, thì mẹ hãy rửa sạch, để róc nước rồi bọc vào túi nilon để vào tủ lạnh.

Mabu dinh dưỡng

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay