Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi khẩu phần ăn hàng ngày của bé, cần có đủ 4 nhóm thức ăn sau: nhóm đường bột hay ngũ cốc, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và nhóm rau xanh. Trong đó nhóm chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong dinh dưỡng của trẻ. Đó là nguồn cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất, đồng thời là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E. K…. nghĩa là không có dầu, mỡ, cơ thể không hấp thu được các vitamin này. Tuy nhiên, trong thời kì ăn dặm của con với nhiều bỡ ngỡ, không phải mẹ nào cũng biết loại dầu ăn nào tốt nhất cho bé và sử dụng dầu ăn như thế nào cho phù hợp.
Trong 6 tháng đầu, bé hoàn toàn có thể bú sữa mẹ là đủ dinh dưỡng. Nhưng sau 6 tháng, khi hệ tiêu hóa của bé đã phát triển hoàn thiện, đây là lúc bé có những dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm, muốn làm quen với các loại thức ăn ngoài sữa mẹ. Bé nên được bổ sung đủ 4 nhóm thức ăn (bột đường, béo, đạm, chất xơ- vitamin). Đây chính là lúc mẹ cần cho bé ăn dầu ăn.
Trong hầu hết các loại dầu ăn có chứa chất béo không bão hòa rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến thức ăn, chất béo không bão hòa lại không bền vững, khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi thành chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, để “bảo toàn” chất béo có lợi này giúp bé dễ dàng hấp thu, mẹ nên nêm dầu ăn vào bột ăn dặm của trẻ khi chuẩn bị bắc khỏi bếp.
Dầu ăn tuy rất cần cho sự phát triển và sức khỏe của bé, nhưng mẹ không nên quá lạm dụng dầu ăn, mỗi bữa ăn đều nêm dầu ăn cho bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nêm dầu ăn cho bé không quá 1-2 thìa cà phê (5ml)/ngày và không quá 4 ngày/tuần. Mẹ cũng không nên cho bé dùng nhiều loại dầu (mỗi ngày 1 loại), mà chỉ nên chọn một loại dầu cho bé ăn trong một khoảng thời gian, rồi sau đó mẹ có thể chuyển cho con sang một loại dầu ăn khác.
Để hiểu rõ hơn về cách dùng dầu ăn nói riêng và cách bổ sung chất béo cho bé nói chung, mẹ có thể tham khảo bài viết “Cách bổ sung chất béo vào thức ăn dặm của bé“.
Dầu ô liu là loại dầu ăn tốt cho bé được nhiều mẹ ưa chuộng, bởi nó có rất nhiều công dụng như: Bổ sung cholesterol tốt cho cơ thể trẻ. Chứa axit linoleic và linolenic, axit sleic (các axit có trong sữa mẹ) đóng góp vào sự phát triển trí não và tăng trưởng xương của bé. Chứa vitamin A, C, D, E, K, vitamin B+, và rất nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim và ung thư. Ngoài ra, dầu ô liu có đặc tính kháng viêm, tác dụng nhuận tràng nhẹ, tránh cho bé bị táo bón.
Các bác sĩ khuyên dùng dầu ô liu cho trẻ nhẹ cân, thấp còi vì lượng calo trong dầu ô liu khá cao. Tuy nhiên, không nên cho bé ăn quá nhiều dầu ô liu bởi có thể khiến bé bị tiêu chảy. Trong một bát bột nhỏ cho bé mới ăn dặm, không bỏ quá nửa thìa cà phê dầu. Nếu bé đã lớn có thể trộn dầu trực tiếp vào các món rau súp lơ hay sa lát cho bé ăn.
Nếu như dầu ô liu được sử dụng phổ biến ở phương Tây, thì dầu gấc là loại dầu ăn mà nhiều mẹ Việt lựa chọn cho bé. Theo thống kê, 70% trẻ em Việt Nam bị thiếu vitamin A và E, mà dầu gấc có chứa hàm lượng lớn vitamin A và E, hàm lượng beta-caroten rất cao (cao hơn cà rốt 15 lần và gấp gần 70 lần cà chua), vì vậy mẹ nên cho bé từ 1/2 – 1 thìa cà phê dầu gấc cho vào bột ăn dặm cho bé, tuần dùng 3 – 4 lần. Dầu gấc có công dụng giúp trẻ biếng ăn trở nên ngon miệng, tuy nhiên mẹ lưu ý cho bé ăn một lượng phù hợp nhé, vì rất giàu beta-caroten, nên nếu cho bé ăn quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến gan của bé.
Gần đây nhiều mẹ Việt có xu hướng nêm dầu dừa vào bột cháo ăn dặm cho bé. Dầu dừa rất giàu axit lauric – một axit béo được tìm thấy trong sữa mẹ giúp bé tiêu hóa tốt. Thêm nữa, đây là loại dầu mà mẹ có thể tự làm tại nhà, nên khá đảm bảo, mẹ không phải lo lắng về chất lượng dầu dừa. Với dầu dừa nguyên chất, mẹ nấu bột chín, tắt bếp, sau đó bổ sung 1/2 thìa cà phê dầu dừa ngoáy đều rồi cho bé ăn.
Mabu dinh dưỡng