Các kịch bản trong thời gian đầu bé làm quen ăn dặm bé chỉ huy

NGÀY ĐĂNG: 19/09/2016
Thời gian đầu khi mới tập cho bé ăn dặm bé chỉ huy (Baby led weaning – BLW) mẹ sẽ gặp bối rối với những hành vi của bé. Nào, hãy cùng giải đáp và xử lý những tình huống thường gặp nhé: TRƯỜNG HỢP 1: Các bé ăn ngoan, vồ vập lúc mới bắt […]

Thời gian đầu khi mới tập cho bé ăn dặm bé chỉ huy (Baby led weaning – BLW) mẹ sẽ gặp bối rối với những hành vi của bé. Nào, hãy cùng giải đáp và xử lý những tình huống thường gặp nhé:

ăn dặm bé chỉ huy

TRƯỜNG HỢP 1:

Các bé ăn ngoan, vồ vập lúc mới bắt đầu nhưng đến giai đoạn 8, 9 tháng tự nhiên không thích ăn nữa, ném, vứt, chỉ ăn sữa, ngồi trên ghế một lúc là đòi ra.Thường giai đoạn này trùng với tuần khủng hoảng.

Cách giải quyết:

Bạn hãy đợi đến thời điểm bé được 9,5 tháng, nếu bé vẫn không chịu ăn, giảm lượng sữa xuống 450-500 ml/ngày, cho bé ăn một bữa BLW hoàn chỉnh vào buổi trưa và giản cữ đến khi nào con đói đòi ăn thì mới cho ăn (không nhất thiết phải 4 tiếng/lần), không cho ăn quá nhiều bữa trong ngày và cắt ăn đêm.

(Sữa được coi là thức ăn của trẻ, nên cứ khi nào bạn cho bé bú cũng tức là bạn cho bé ăn).

TRƯỜNG HỢP 2

Các bé ăn từ 6 tháng nhưng hầu như không hợp tác, toàn ném, vứt, nhè thức ăn, chỉ bú sữa đến khi bé được khoảng 8 tháng hoặc 8,5 tháng thì bé tự động giảm lượng sữa trong ngày, bắt đầu chịu nuốt và ăn, ăn nhiều có khi làm cha mẹ choáng váng. Lí giải cho trường hợp này, sách Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy viết

“Thật hoang đường khi người ta cho rằng sữa mẹ thay đổi khi bé khoảng 6 tháng tuổi và không còn đủ chất cho bé nữa. Thực tế, sữa mẹ của bé 6 tháng tuổi – hay thậm chí bé 2 tuổi – hầu như vẫn có giá trị dinh dưỡng như nhau; chỉ là do nhu cầu dinh dưỡng của bé đã thay đổi…

Các bé sinh ra với nguồn dinh dưỡng được tích lũy trong suốt quá trình nằm trong bụng mẹ. Nguồn dinh dưỡng dự trữ này được sử dụng ngay từ khi bé chào đời, nhưng lượng sữa bé bú được cũng đủ đảm bảo nguồn dinh dưỡng dự trữ này vẫn còn dồi dào. Từ 6 tháng tuổi trở đi, sự cân bằng này thay đổi, nên bé dần dần cần nhiều dinh dưỡng hơn là nguồn dinh dưỡng do sữa mẹ hoặc sữa bột cung cấp. Cần nhận thấy rằng, khi 6 tháng tuổi, hầu hết các bé mới chỉ bắt đầu gia tăng chế độ ăn chỉ có sữa. Ví dụ, hầu hết các bé sinh đủ ngày đủ tháng đều có lượng dự trữ đầy đủ chất sắt để bé phát triển mà không gây ra vấn đề gì- nguồn dự trữ này không cạn kiệt chỉ sau một đêm. Nhưng bé cần tập ăn thô khi khoảng 6 tháng tuổi, nhằm giúp bé phát triển các kỹ năng cần thiết để ăn các loại thức ăn khác nhau và làm quen với hương vị mới để chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm mà chúng thực sự bắt đầu phụ thuộc vào các thức ăn khác như nguồn cung cấp dinh dưỡng chính.”

Cách giải quyết:

Bạn hãy duy trì sữa trong thời gian bé chưa chịu ăn, có thể kết hợp đút thìa nếu bị áp lực từ gia đình. Bạn có thể cho bé ăn bột ăn dặm hoặc cháo nghiền theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là một gợi ý. Nếu bé không chịu đút, chỉ sữa vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé. Sau thời điểm 9.5 tháng mà bé vẫn chưa chịu ăn, giảm sữa xuống 450 -500ml/ngày, cắt ăn đêm, khi nào bé đói thì đem thức ăn ra mời.

Nếu bạn kết hợp BLW với đút thìa mà sau khi bé được 9,5 tháng tuổi, bé chấp nhận đút thìa nhưng vẫn không chấp nhận ăn BLW thì khả năng bé đã chọn đút thìa không chọn BLW. Hãy đút cho con với tinh thần tôn trọng con và rèn kỉ luật bàn ăn cho con. Bạn cũng đừng lo sợ con sẽ mãi ỷ lại vào người lớn để ăn, sẽ đến những thời điểm bé thích sự tự lập và sẽ chứng minh sự tự lập đó bằng cách tự ăn (bằng tay hoặc bằng thìa)

TRƯỜNG HỢP 3:

Các bé ăn và uống sữa theo đồ thị hình sin tức là có thể 2 tuần bé ăn tốt rồi 2 tuần lại chẳng ăn gì. Bạn hãy luôn giữ cho con có được nếp sinh hoạt ổn định, tôn trọng con, không cho ăn vặt, cho con cơ hội biết cảm nhận cảm giác no – đói. Sau khi con được 9,5 tháng tuổi, nếu lượng ăn của con vẫn còn quá ít so với lượng sữa và sự phát triển của con có vấn đề, hãy cắt ti đêm và giảm bớt lượng sữa xưống còn 500 ml/ngày.

TRƯỜNG HỢP 4

Các bé luôn háu ăn từ lúc mới bắt đầu, chưa bao giờ có dấu hiệu chán ăn, cho gì bé cũng ăn, bao nhiêu cũng hết. Trường hợp này đòi hỏi sự bình tĩnh và sáng suốt của cha mẹ bởi nếu bạn quá “tham lam” thì có thể khiến bé bị rơi vào nhóm có nguy cơ  “không biết cảm giác đói” hoặc “béo phì”. Bởi vậy, cha mẹ hãy cho con cơ hội được biết cảm giác ăn cái gì ngon và ăn như thế nào là đủ chứ không phải cứ thấy con ăn được thì cứ cho con ăn hết cái này đến cái khác. Hãy đưa từng chút nhỏ đồ ăn cho con và đợi đến khi con đòi ăn tiếp mới bình tĩnh đưa thêm một chút nữa, nếu bạn cảm thấy con đã ăn đủ, hãy gợi ý cho con ra khỏi ghế ăn.

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay