Chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho con bạn

NGÀY ĐĂNG: 15/07/2016
Giai đoạn bắt đầu ăn dặm là mốc phát triển vô cùng quan trọng của trẻ nhỏ. Từ thời điểm này, bé sẽ lấy nguồn dinh dưỡng chính từ thức ăn thô thay vì sữa mẹ, đồng thời bé sẽ phát triển các kỹ năng nhai, nuốt…Đây cũng là giai đoạn mà hệ tiêu hóa, […]

Giai đoạn bắt đầu ăn dặm là mốc phát triển vô cùng quan trọng của trẻ nhỏ. Từ thời điểm này, bé sẽ lấy nguồn dinh dưỡng chính từ thức ăn thô thay vì sữa mẹ, đồng thời bé sẽ phát triển các kỹ năng nhai, nuốt…Đây cũng là giai đoạn mà hệ tiêu hóa, cơ hàm của bé sẽ dần hoàn thiện. Việc bé hợp tác hay không hợp tác, thích hay ghét bữa ăn phụ thuộc vào cách mẹ giới thiệu thức ăn và ứng xử trong bữa ăn của bé. Không có phương pháp hoàn hảo nhất, chỉ có phương pháp phù hợp nhất. Sự phù hợp ở đây là nói đến sự phù hợp với đáp ứng của bé và cả người phụ trách cho bé ăn, họ có thời gian, kỹ năng, thái độ phù hợp không.

Hiện nay, có ba phương pháp ăn dặm được nhiều mẹ lựa chọn: ăn dặm truyền thống (ADTT), ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm bé chỉ huy (Baby led weaning – BLW). Nào chúng ta hãy cùng tham khảo và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho mẹ và bé nhé:

Phương pháp ăn dặm truyền thống:

Các thực phẩm sẽ được nấu chung với nhau:  bé ăn từ bột ăn dặm, tới cháo lỏng, cháo đặc, cơm nát, cơm. Bột, gạo nấu lẫn với rau thịt thành một bữa ăn đủ bốn nhóm dinh dưỡng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, xơ…

Thời gian kéo dài từ lúc trẻ 6 tháng tới 2 năm.

Tiến độ ăn: ăn thô dần tức là từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều, từ bột đến cháo vỡ, cháo nguyên hạt, cơm nát, cơm.

Bé được hỗ trợ, đút cho ăn trong một thời gian dài.

Bé thường được cho ăn trước hoặc sau bữa của cả nhà nên bữa ăn thường kéo dài.

Bột nấu theo phương pháp truyền thống

Đảm bảo bé ăn đủ dinh dưỡng đủ 4 nhóm.

Dạ dày bé ko phải làm việc quá sức sớm.

Việc chế biến đơn giản, không mất nhiều thời gian, và ai cũng có thể làm được đặc biệt nếu người giúp việc hoặc bà là người cho bé ăn chính.

Bé khó cảm nhận đc mùi vị riêng của từng loại thức ăn nên chóng ngán.

Bé biết ăn thô muộn nhất trong tất cả các phương pháp, nhất là khi mẹ không để ý đến việc tăng độ thô thức ăn dần dần cho bé.

Khả năng hoàn thiện kỹ năng tự xúc là lâu nhất trong ba phương pháp.

ADTT khá gây áp lực cho người chăm sóc vì luôn bị áp lực giúp bé tăng cân. Nên đôi khi bữa ăn là thời điểm kém vui vẻ nhất đối với cả bé và người cho ăn.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

ADKN khuyên nấu riêng từng món. Đảm bảo các món phải đủ tinh bột, chất đạm, vitamin. Vì nấu riêng từng món nên để tiết kiệm thời gian, với ADKN các mẹ cần chia nhỏ thực phẩm thành từng khẩu phần ăn và trữ đông trong tủ lạnh. Khi nào chế biến thì rã đông và nấu khẩu phần đó.

Giai đoạn ăn dặm kéo dài khoảng 1 năm: từ 5 tháng tuổi tới 1 tuổi rưỡi. Chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 5- 6 tháng tuổi, giai đoạn 2 từ 7-8 tháng tuổi, giai đoạn 3 từ 9-11 tháng tuổi, giai đoạn 4 từ 12 -18 tháng tuổi. Ở giai đoạn 4 bé đã ăn được cơm dù mềm và nhạt hơn so với người lớn.

Tiến độ ăn: bé cũng ăn thô dần tức là từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều. Bé không ăn bột nghiền mà chỉ ăn cháo, cơm nấu từ lỏng tới đặc theo tỉ lệ 1:10, 1: 7, 1:5, 1:3, 1:2 (tỉ lệ gạo:nước).

Mẹ vẫn có thể hỗ trợ bé ăn trong thời gian đầu: đút cho bé.

Bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Bé có thể cảm nhận mùi vị riêng của từng loại thức ăn. Mẹ dễ dàng nhận ra loại thức ăn nào bé thích hay không thích, bé dị ứng với loại thức ăn nào.

Bé có khả năng ăn thô sớm, cho bé ăn nhạt.

Cho bé ngồi ghế ăn, ăn tập trung, không ăn rong, không vừa ăn vừa chơi, không ép ăn.

Mất nhiều thời gian chế biến. Phù hợp nhất với những mẹ có thời gian và chăm con hoàn toàn. Với gia đình mà có người giúp việc hoặc bà là người cho bé thì sẽ gặp khó khăn vì chưa chắc đã theo được phương pháp này.

Trữ đông thực phẩm nhiều nên đòi hỏi tủ lạnh phải đủ lớn.

Giai đoạn đầu tập ăn cho bé ăn đủ các nhóm dinh dưỡng khá khó khăn nên bé có thể tăng cân chậm.

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy

Là phương pháp ăn dặm kiểu Âu Mỹ. Phương pháp này cho bé ăn thô ngay từ đầu, bé ăn thức ăn như người lớn. Không rây, không nghiền, không xay thức ăn như ADTT và ADKN.

Mẹ sẽ bày thức ăn ra trước mặt bé, bé tự quyết định mình ăn gì. Với phương pháp này sự hỗ trợ của mẹ là tối thiểu, mẹ không đút cho bé, thời gian đầu bé sẽ ăn bốc cho đến khi bé sử dụng thìa thành thạo.

Bé được ăn cùng bàn, cùng bữa với người lớn, ăn đúng giờ, hết giờ là dừng ăn. Mẹ sẽ không ép bé ăn nếu bé không muốn và cũng không đáp ứng thức ăn cho bé ngoài giờ ăn quy định.

Thông thường khi 6 tháng tuổi, và hội tụ đủ các điều kiện sẵn sàng ăn dặm thì mẹ sẽ cho bé tập ăn.

Không đòi hỏi bé phải ăn đủ bốn nhóm dinh dưỡng trong một ngày.

Bé ăn dặm theo phương pháp ăn dặm bé chỉ huy

Bé ăn thô sớm, hệ tiêu hóa sớm thích nghi, hoàn thiện và phát triển. Kỹ năng vượt trội nhờ học phối hợp tay mắt khi bé tìm cách đưa thức ăn vào miệng, hàm và lưỡi phối hợp khi nhai, kỹ năng nuốt và xử lý thức ăn tốt. Ngón tay bé linh hoạt và khéo léo. Bé sớm khám phá mùi vị màu sắc kết cấu từng loại thức ăn.

Hình thành thói quen tự giác, tập trung, đúng giờ sớm. Bé cũng tự tin và tự chủ hơn do được tự quyết định.

Bé ít khi bị biếng ăn tâm lý do sợ hãi vì bị ép ăn.

Mẹ không mất công chế biến. Mẹ học được tính kiên nhẫn, chờ đợi và tôn trọng bé.

Thời gian đầu có thể bé ăn được rất ít và tăng cân chậm.

Nguy cơ bé bị nghẹn nhiều hơn ADKN và ADTT, mẹ phải bình tĩnh và có kỹ năng xử lý khi bé hóc.

Mất công dọn dẹp vì bé ăn bốc nên thức ăn sẽ vương vãi khắp nơi.

Mẹ chịu nhiều áp lực từ gia đình và người xung quanh vì bé tăng cân chậm và ăn được ít.

Mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng, và không có phương pháp nào hoàn hảo và tối ưu nhất. Quan trọng là mẹ tùy vào hoàn cảnh mà lựa chọn phương pháp phù hợp với bé và gia đình. Thậm chí nhiều mẹ còn kết hợp các phương pháp rất hiệu quả.

Chúc các mẹ thành công, nuôi con khỏe mạnh, mẹ thư thái.

Mabu dinh dưỡng tổng hợp

 

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay