Đừng để những lo lắng không căn cứ mà không chích ngừa cho con

NGÀY ĐĂNG: 27/07/2016
Hiện nay, rất nhiều cha mẹ vì những thông tin không kiểm chứng, hay lo lắng thái quá về rủi ro khi chích ngừa mà không muốn chích ngừa cho con. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết rằng, chích ngừa đúng và đủ là một trong những cách khá hiệu quả để ngừa một số […]

Hiện nay, rất nhiều cha mẹ vì những thông tin không kiểm chứng, hay lo lắng thái quá về rủi ro khi chích ngừa mà không muốn chích ngừa cho con. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết rằng, chích ngừa đúng và đủ là một trong những cách khá hiệu quả để ngừa một số bệnh nhiễm trùng, ngoài một số biện pháp tương đối đơn giản và hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh và che miệng khi ho hay hắt hơi.

Tiêm chủng cho trẻ

Ngay từ ngày đầu tiên ra đời, trẻ đã có “cơ hội” tiếp xúc với rất nhiều kháng nguyên xâm nhập vào người. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại chúng. Ước lượng trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc khoảng 20-40 kháng nguyên xâm nhập vào người qua các “cửa ngõ” của cơ thể như mắt, mũi, miệng. Trong đó, những kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể trẻ nhiều nhất là những siêu vi, vi khuẩn, ngoài ra, còn có các chất đạm trong sữa hay thức ăn. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa chào đời, trẻ thường ít khi bị những bệnh nhiễm trùng nặng bởi trẻ đã được bảo vệ bởi những kháng thể nhận từ mẹ trong giai đoạn bào thai.

Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ chưa có kháng thể để chống lại (do chưa từng bị những bệnh này, hoặc đã từng bị bệnh nhưng đã hết kháng thể chống lại bệnh), hoặc mẹ có kháng thể đó nhưng không thể truyền sang cho trẻ trong giai đoạn bào thai, mà những bệnh này có thể gây bệnh rất nặng cho trẻ, do đó, trẻ cần được chủng ngừa sớm ngay sau sinh.

Ví dụ: nếu trẻ bị nhiễm siêu vi viêm gan B từ sơ sinh (nhiều nhất là từ mẹ lây trong lúc sinh) thì 90% trẻ bị nhiễm sẽ mang siêu vi viêm gan B suốt đời. Chỉ có khoảng 10% trẻ tự khỏi và sau này khi lớn lên, trẻ có thể bị xơ gan hay ung thư gan. Vì vậy trẻ sơ sinh nên được chích ngừa viêm gan B từ rất sớm sau sinh.

Chích ngừa sớm KHÔNG gây nguy hại trẻ

Nhiều cha mẹ lo sợ rằng, trẻ còn nhỏ quá và chích ngừa sớm quá thì trẻ không chịu nổi. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, cho dù trẻ có chích ngừa hay không, trẻ vẫn tiếp xúc với vài chục kháng nguyên mỗi ngày. Trong khi đó, hệ miễn dịch của trẻ đủ sức đáp ứng để tạo kháng thể đối với sự xâm nhập của khoảng 10.000 kháng nguyên cùng lúc ngay từ lúc mới ra đời. Thông thường, nếu trẻ cân nặng từ 2.000 gram trở lên thì có thể chích ngừa được (ít nhất là chích ngừa viêm gan B ngay lúc sinh). Nếu như trẻ sơ sinh nhẹ hơn 2.000 gram nhưng cần phải chích ngừa viêm gan B ngay (trong trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B) thì trẻ vẫn có thể chích ngừa được, chứ không nhất thiết phải chờ đủ 2.000 gram mới chích.

Theo “Để con được ốm”

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay