Hiểu về những đốm mụn nhỏ nhỏ ở trẻ

NGÀY ĐĂNG: 13/02/2018
Trong những tháng đầu đời, có thể do thay đổi môi trường từ bụng mẹ ra thế giới bên ngoài mà da trẻ có những biến đổi, những mụn nhỏ nhỏ nổi lên. Phần lớn những mụn ở trẻ này không đáng lo, nhưng cũng khiến  ba mẹ ông bà rất “sốt sắng”. Hạt kê […]

Trong những tháng đầu đời, có thể do thay đổi môi trường từ bụng mẹ ra thế giới bên ngoài mà da trẻ có những biến đổi, những mụn nhỏ nhỏ nổi lên. Phần lớn những mụn ở trẻ này không đáng lo, nhưng cũng khiến  ba mẹ ông bà rất “sốt sắng”.

Hạt kê ở trẻ sơ sinh

mụn ở trẻ

Hạt kê ở trẻ sơ sinh là những nang nhỏ, màu trắng đục, nằm ngay dưới da trẻ, và nhìn rất giống hạt kê. Đây là hiện tượng bình thường, xảy ra ở hầu hết các bé. Các hạt kê thường xuất hiện trong vài ngày đầu sau sinh, đa số tập trung ở vùng mũi, cũng có thể xuất hiện trong miệng ở niêm mạc miệng hay ở vòm hầu họng. Một số trường hợp những hạt kê này có thể xuất hiện rải rác ở trên da đầu, mặt, và phần thân trên nữa. Những hạt kê này hoàn toàn lành tính và có thể biến mất sau vài tuần.

Mụn trứng cá sơ sinh

Mụn trứng cá sơ sinh là những mụn nhỏ, màu đỏ hoặc màu trắng. Khoảng 20% trẻ bị mụn trứng cá sơ sinh. Các mụn này thường tập trung ở phần mặt, nhưng đôi khi cũng lan xuống phần cổ và phần thân trên của bé. Mụn trứng cá sơ sinh thường xuất hiện trong 3 tháng đầu đời của bé. Các mụn này nhìn có vẻ khá ghê, nhưng cũng lành tính như hạt kê, thường tự lặn đi khi  bé được 3-4 tháng tuổi, mà không cần bất cứ can thiệp điều trị nào.

Mụn trứng cá nhũ nhi

Mụn trứng cá nhũ nhi là những mụn trứng cá mọc ra trễ hơn so với hai loại trước. Nó thường xuất hiện ở một số ít trẻ, sau vài tháng tuổi, tập trung ở má, cằm và trán, ít khi lan xuống thân người. Đây là kết quả của sự tăng tạm thời lượng hóc môn testosterone ở trẻ nhỏ, gây kích thích tăng hoạt động của các tuyến nhờn ở da, và vì vậy, nhìn y chang như mụn “dậy thì”, có những mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn đỏ và có mủ. Không lành tính như hạt kê hay mụn trứng cá sơ sinh, mụn trứng cá nhũ nhi có thể lâu dài và để lại sẹo cho bé.

Với loại mụn này, ba mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn điều trị. Một số trường hợp nặng, cần phải uống thuốc, theo dõi, điều trị lâu dài, nhằm tránh để lại sẹo.

Ở hầu hết các trường hợp bé bị mụn đều giảm và hết khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, những trẻ này có nguy cơ bị mụn nặng trước khi trẻ bước vào giai đoạn thanh thiếu niên.

Theo “Chào con ba mẹ đã sẵn sàng”

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay