Nấm miệng ở trẻ là tình trạng miệng trẻ bị nhiễm nấm. Biểu hiện có thể là môi, miệng lưỡi trẻ có xuất hiện những mảng trắng hoặc đốm trắng đục, gồ, rất khó dùng khăn để lau sạch, nếu cứ cố lau sẽ khiến bé đau, khó chịu do phần niêm mạc bị tổn thương viêm đỏ.
Loại nấm thường gặp nhất là Candida Albicans – đây là loại nấm sống phổ biến, kí sinh bình thường trong cơ thể người và trong miệng người. Trong điều kiện bình thường, nó sống hòa bình với các loại vi khuẩn, vi rút khác kí sinh trong con người, và không gây ra triệu chứng gì cả. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh gây mất cân bằng hệ sinh thái trong miệng người, như trẻ bị bệnh, hệ miễn dịch yếu đi, hay trẻ uống kháng sinh làm chết các vi khuẩn sống trong miệng, hoặc trẻ bị nhiễm thêm nấm từ bên ngoài vào trong quá trình bú, mút, ăn…. thì loại nấm này sẽ “thừa cơ” phát triển, và gây nấm ở các niêm mạc trong miệng.
Trẻ dưới 1 tuổi dễ bị nấm miệng hơn, do hệ miễn dịch của trẻ còn đang yết ớt. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc với ba mẹ, nấm miệng ở trẻ là một trong những tình trạng lành tính. Đa số các trường hợp, nấm miệng gần như không gây khó chịu hoặc gây triệu chứng nào ảnh hưởng tiêu cực đến bé, ngoài những đốm trắng hơi mất mỹ quan chút thôi!
Nấm miệng có thể tự hết sau khoảng 2-8 tuần mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ vì nấm miệng mà khó ăn uống hoặc mệt mỏi thì mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ.
Nếu có điều trị bác sĩ sẽ kê đơn cho trẻ dung dịch hoặc kem kháng nấm để bạn bôi trực tiếp lên các mảng nấm trong miệng trẻ một vài lần mỗi ngày, sau cữ ăn, khoảng 10 ngày liên tục. Khi điều trị bằng thuốc, các mảng nấm này sẽ nhanh biến mất hơn. Đôi khi vì bé bú mẹ trực tiếp, bác sĩ nếu nghi ngờ đầu vú mẹ cũng bị nhiễm nấm cũng có thể kê đơn để mẹ bôi thuốc trực tiếp lên đầu vú. Trong trường hợp này, mẹ sẽ bôi thuốc lên đầu vú sau mỗi cữ bú của con, và rồi lau thật sạch trước khi cho bé bú cữ tiếp theo.
Ba mẹ có thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm nấm bằng cách giữ gìn vệ sinh răng miệng thường xuyên. Bên cạnh đó cũng giữ vệ sinh cơ bản cho mẹ và đầu vú mẹ.
Giới hạn thời gian cho bé ti mẹ, ti bình, hay ngậm ti giả (khoảng 20-30 phút), tránh việc ngậm quá lâu khiến niêm mạc miệng lưỡi, môi bé bị cọ xát, tổn thương, tăng nguy cơ nấm miệng ở trẻ.