Viêm tiểu phế quản ở trẻ khi nào nên đi khám bác sĩ

NGÀY ĐĂNG: 03/07/2017
Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm siêu vi (virus), gây viêm nhiễm các ống khí nhỏ dẫn vào phổi của trẻ. Đây là bệnh khá phổ biến, đa số xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở trẻ 6-12 tháng tuổi. Biểu hiện của viêm […]

Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm siêu vi (virus), gây viêm nhiễm các ống khí nhỏ dẫn vào phổi của trẻ. Đây là bệnh khá phổ biến, đa số xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở trẻ 6-12 tháng tuổi.

Biểu hiện của viêm tiểu phế quản ở trẻ

Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, tuy nhiên, ở đa số trường hợp, chỉ biểu hiện như một cơn cảm lạnh nhẹ, hơi ho, sổ mũi nhẹ, rồi tự hết trong vài ngày. Ở một số trường hợp khác, khi tình trạng viêm nhiễm các ống khí nhỏ nhiều hơn, gây tắc các ống khí nhỏ này, và làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ đáng kể. Trẻ có thể phải thở nhanh hơn, nhiều hơn, mạnh hơn, để cung cấp đủ khí cho phổi qua đường ống tắc, và vì vậy dễ mệt hơn, bú kém hơn hoặc vì quá mệt mà không bú được. Trẻ cũng có thể bị suy hô hấp, khi trẻ không thể đủ sức cố gắng cung cấp oxy cho cơ thể, thông qua phổi, qua đường ống bị tắc nghẽn, và vì vậy cần được hỗ trợ hô hấp trong bệnh viện. Ở một số trường hợp trẻ rất nhỏ, viêm tiểu phế quản còn có thể gây cơn ngưng thở ở trẻ, và cần được khám và điều trị ngay.

Diễn tiến điển hình của một số trường hợp viêm tiểu phế quản như sau: 1-2 ngày đầu, trẻ sổ mũi, khụt khịt nhiều, đến ngày thứ 3, trẻ bắt đầu bị sốt, khò khè, thở nhanh, co lõm ngực, mệt mỏi, biếng bú hoặc bỏ bú. Trẻ có thể bệnh khoảng 1 tuần. Ngay cả khi trẻ hết bệnh, trẻ vẫn có thể ho khan vài tuần sau đó.

viêm tiểu phế quản

Cách điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ

Vì viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm siêu vi, kháng sinh không được sử dụng để điều trị trong viêm tiểu phế quản, ngoại trừ trường hợp có nghi ngờ bội nhiễm (có nhiễm vi khuẩn thêm vào). Điều trị hỗ trợ triệu chứng là điều trị chính của bệnh.

Nếu trẻ bị sốt, ba mẹ nên cho bé uống hạ sốt khi cần, đúng liều lượng.

Bạn có thể giúp trẻ bú tốt hơn bằng cách cho trẻ bú ít lại, nhưng thường xuyên hơn, bú làm nhiều lần, để tránh không bị đuối sức. Đối với những trường hợp khò khè, bác sĩ có thể thử cho trẻ phun khí dung, giúp “mở” các ống bị tắc nghẽn ra, để xem trẻ có đáp ứng với điều trị hay không.

Đối với những trường hợp suy hô hấp, trẻ có thể cần được nhập viện, được hỗ trợ hô hấp, cung cấp thêm oxy, tùy theo đánh giá của bác sĩ.

Khi nào bạn nên cho trẻ đi khám?

Trẻ ho nhiều hơn, nặng hơn.

Trẻ bú ít hơn phân nửa so với bình thường. Hoặc trẻ bỏ bú.

Trẻ lừ đừ, mệt mỏi, ngủ nhiều hơn bình thường.

Nếu bạn có bất kì lo lắng gì.

Lưu ý: Bạn nên cho bé đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc khoa cấp cứu gần nhất ngay lập tức khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau:

Khó thở – thở nhanh, co lõm, hoặc thở không đều, có cơn ngưng thở.

Trẻ không bú được vì ho, khò khè.

Nếu mỗi cơn ho trẻ bị tím môi.

Nếu bạn thấy trẻ nhợt nhạt, tím tái, lừ đừ.

Theo “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng”

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay