Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2: Những điều mẹ nên biết

NGÀY ĐĂNG: 14/12/2016
Ở giai đoạn 2 của Ăn dặm kiểu Nhật (7 – 8 tháng tuổi), mẹ bắt đầu cho bé làm quen với thực phẩm đặc hơn một chút như cháo đặc, và bắt đầu tăng độ thô của thức ăn lên dạng hạt lổn nhổn. Thời điểm mẹ có thể chuyển giai đoạn 2 cho […]

Ở giai đoạn 2 của Ăn dặm kiểu Nhật (7 – 8 tháng tuổi), mẹ bắt đầu cho bé làm quen với thực phẩm đặc hơn một chút như cháo đặc, và bắt đầu tăng độ thô của thức ăn lên dạng hạt lổn nhổn.

Thời điểm mẹ có thể chuyển giai đoạn 2 cho con

Thường thì 7 – 8 tháng tuổi, mẹ có thể chuyển sang giai đoạn 2 cho con. Nhưng vì mỗi bé có sự phát triển khác nhau, nên thời điểm 7 – 8 tháng không phải là chuẩn chung cho tất cả các bé. Ba mẹ nên quan sát bé, để xem con đã sẵn sàng để chuyển sang một giai đoạn ăn dặm mới hay chưa.

Dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm giai đoạn 2

Nếu bé hứng thú với đồ ăn dạng sệt, đặc hơn, lại có thể dùng lưỡi để nghiền những mảnh thức ăn nhỏ thay vì nuốt chửng như trước thì ba mẹ có thể yên tâm cho con ăn dặm giai đoạn 2.

Còn nếu bé vẫn chưa sẵn sàng, vẫn hứng thú với những thức ăn dạng loãng và nuốt chửng thức ăn thì ba mẹ vẫn để con ăn ở giai đoạn 1, rồi từ từ giảm dần lượng nước để tăng độ đặc cho bột ăn dặm của bé. Ba mẹ không nên tăng độ thô, độ đặc một cách đột ngột, khiến bé sợ ăn.

ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2

Cách thức ăn của bé giai đoạn 2

Ngoài động tác đẩy thức ăn từ miệng vào họng thì lưỡi của bé còn di chuyển theo chiều dọc. Giai đoạn này, bé đã có thể kết hợp lưỡi và vòm hàm trên để nghiền thức ăn. Khi thức ăn không mịn mà còn những mẩu thức ăn nhỏ thì bé sẽ tự dùng lưỡi đẩy thức ăn lên vòm hàm trên mà nghiền ra.

Một số thực phẩm mẹ có thể cho bé giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2 của Ăn dặm kiểu Nhật, ngoài những thực phẩm ở giai đoạn 1, mẹ có thể cho bé ăn thêm những thực phẩm mới:

Tinh bột: mì udon, yến mạch, bún…

Đạm: Cá (cá đồng, cá thịt trắng…); đậu hũ; các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai); trứng; thịt (thịt gà, thịt bò…)

Rau củ quả: xà lách, ớt chuông, rau dền, dưa leo, cải cúc, rong biển, nấm tươi…

Chất béo: dầu ăn

Cách chế biến thức ăn dặm cho bé

Trong mỗi bữa ăn mẹ nên chuẩn bị cho con các món ăn có độ cứng đa dạng. Có món mềm như bé ăn ở giai đoạn 1, xen kẽ một ít món có độ cứng tương đương với chuối tiêu. Ở giai đoạn này, mẹ lưu ý tránh để bé phải nhai và gặp khó khăn quá nhiều trong một bữa ăn khiến bé chán nản, không còn hứng thú với bữa ăn.

Về nấu cháo: ban đầu mẹ nấu cháo cho con theo tỷ lệ 1 gạo : 7 nước, sau đó giảm dần độ loãng (1 gạo : 5 nước). Thời gian đầu, mẹ có thể dùng thìa, dĩa mài cho vỡ hạt cháo, để bé ăn cháo hạt vỡ. Sau đó thì có thể cho bé ăn cháo nguyên hạt.

Với các thực phẩm mềm như cá, lòng đỏ trứng…thì có thể dùng thìa, hoặc dĩa dầm nhỏ.

Các loại rau củ quả có thể thái, băm nhỏ…

Số bữa/ngày trong giai đoạn 2

Giai đoạn 2 của Ăn dặm kiểu Nhật mẹ cho bé ăn 2 bữa/ngày.

Lượng ăn tham khảo trong mỗi bữa ăn

Tinh bột: 50g – 80g

Thịt gà, cá, lợn, bò: 30g – 40g

Trứng: 1 lòng đỏ trứng

Rau củ quả: 20g

Sữa mẹ, sữa bột cho bé uống theo nhu cầu (nguồn dinh dưỡng từ ăn dặm chiếm khoảng 30 – 40%, từ sữa chiếm khoảng 60 – 70%).

Giờ ăn tham khảo

Giờ ăn Thực phẩm
6:00 Sữa
10:00 Ăn dặm + Sữa (sữa ăn theo nhu cầu)
12:00 Sữa/Trái cây
14:00 Sữa
18:00 Ăn dặm + Sữa
22:00 Sữa

 

Chú ý: mẹ có thể chuyển cho con ăn trái cây vào cữ ăn 12:00 để chuẩn bị cho việc chuyển ăn dặm vào lúc 12:00 trưa ở giai đoạn 3.

Mabu dinh dưỡng

chủ đề mẹ quan tâm
Theo dõi chúng tôi
Mua hàng ngay